Tìm kiếm tin tức
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TỪ THÁNG 02/2014
Ngày cập nhật 02/06/2014

Tháng 02/2014 rất nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ phí; Hành chính; Lao động - Tiền lương - Phụ cấp; Tư pháp - Hộ tịch; Chính sách kinh tê - xã hội; Tài chính - Ngân hàng - Tín dụng; Tài nguyên - Môi trường; giao thông... có hiệu lực thi hành.

Thuế-Phí-Lệ phí:

ÁP THUẾ SUẤT THUẾ TNDN 20% CHO CÁC DOANH NGHIỆP TỪ 01/01/2016

Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 22% sẽ chính thức được áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01/01/2016 là nội dung quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN.

Tương tự, từ ngày 01/01/2016, thuế suất thuế TNDN 20% đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô cũng được giảm xuống còn 17%. Trước đó, thuế suất thuế TNDN áp dụng chung cho các doanh nghiệp vẫn là 22%. Riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng (bao gồm cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), mức thuế suất thuế TNDN được áp dụng là 20%. Trong đó, tổng doanh thu năm làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% nêu trên là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp năm trước liền kề. Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam, mức thuế suất thuế TNDN dao động từ 32% đến 50%. Cụ thể, mức thuế suất thuế TNDN đối với các mỏ tài nguyên bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm hoặc mỏ có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật là 50% hoặc 40%. Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, tùy vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ, Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng dự án và cơ sở kinh doanh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2014 trở đi.

DN KINH DOANH BẢO HIỂM CHÁY, NỔ PHẢI ĐÓNG GÓP KINH PHÍ PCCC

Theo Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/05/2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, doanh nghiệp (DN) kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có trách nhiệm đóng góp kinh phí để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 30/06 và ngày 31/12 hàng năm, DN bảo hiểm có trách nhiệm chuyển số tiền đóng góp kinh phí hoạt động PCCC vào tài khoản của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương; báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và số tiền trích nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật về Bộ Tài chính. Đối với hợp đồng bảo hiểm trọn gói có bao gồm cả bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì DN bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bằng phụ lục đính kèm hợp đồng và phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 130/2006/NĐ-CP.

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi kết thúc năm tài chính, DN bảo hiểm có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí phải đóng góp cho các hoạt động PCCC; đối chiếu số liệu đã nộp với số liệu trong báo cáo quyết toán, nếu số đã nộp lớn hơn số phải nộp thì số nộp thừa được để lại để tính cho số nộp của năm sau; nếu số đã nộp thấp hơn số phải nộp thì DN bảo hiểm có trách nhiệm nộp bổ sung đủ số còn thiếu trong vòng 05 ngày làm việc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/02/2014.

Chính sách kinh tế-xã hội:

ƯU TIÊN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO HỌC SINH TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG

Ngày 10/01/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2014/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc, trong đó đáng chú ý là quy định về biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc trường giáo dưỡng.

Theo đó, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc trường giáo dưỡng được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội theo dõi, giúp đỡ, giáo dục trong thời gian kể từ khi họ chấp hành xong quyết định cho đến khi họ được coi như chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; được quan tâm dạy nghề, giải quyết việc làm tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng chuyên môn, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách  xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương và được xét hỗ trợ một phần đối với người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách để tạo việc làm, lao động, sản xuất, kinh doanh...

Riêng đối với người chưa thành niên chấp hành xong quyết định được ưu tiên học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ vay vốn để học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Cũng theo Nghị định này, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm thành lập Quỹ hòa nhập cộng đồng từ nguồn kinh phí thu được do kết quả lao động của học sinh, trại viên để hỗ trợ hoạt động hòa nhập cộng đồng cho học sinh, trại viên khi chấp hành xong quyết định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2014.

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG

Ngày 16/12/2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 33/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Theo hướng dẫn của Thông tư này, luôn luôn áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất trong các trường hợp: Địa bàn được thành lập mới từ các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau; doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn liền nhau có mức lương tối thiểu vùng khác nhau; khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau…

Đồng thời, trường hợp địa bàn thay đổi tên hoặc chia tách thì thực hiện theo mức lương tối thiểu đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách; thành lập thành phố trực thuộc tỉnh từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì thực hiện mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với địa bàn thuộc vùng III; doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp có đơn vị, chi nhánh, phân khu hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh, phân khu hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa bàn đó.

Khi áp dụng quy định về mức lương tối thiểu vùng, Thông tư cũng yêu cầu các doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật… Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để xác định, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.

ĐIỀU KIỆN HƯỞNG HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CƠ SỞ CHĂN NUÔI GIA SÚC

Ngày 19/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/ NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quyết định hỗ trợ 03 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị cho nhà đầu tư có dự án chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung; riêng đối với chăn nuôi bò sữa cao sản, mức hỗ trợ là 05 tỷ đồng/dự án. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào, được hỗ trợ thêm 70% chi phí nhưng không quá 05 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục này.

Các dự án đầu tư được hưởng hỗ trợ nêu trên phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của UBND cấp tỉnh nếu chưa có quy hoạch được duyệt; có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 1.000 con trở lên đối với lợn thịt; từ 500 con trở lên đối với trâu, bò, dê, cừu thịt, bò sữa cao sản hoặc từ 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại; sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương và bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm...

Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước; mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo 01 lần và thời gian gian đào tạo được hỗ trợ kinh phí không quá 06 tháng. Trường hợp nhà đầu tư tuyển dụng lao động dài hạn chưa qua đào tạo nghề, đang sinh sống trong rừng đặc dụng để đào tạo và sử dụng, góp phần bảo vệ rừng đặc dụng thì doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo trực tiếp 01 lần tại doanh nghiệp cho mỗi lao động là 03 triệu đồng/03 tháng.

Nghị định này thay thế Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/06/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014.

CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI NGƯỜI TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ

Ngày 06/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg quy định về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Theo Quyết định này, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng thuộc biên chế của các đội chuyên trách trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước, ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm với mức 0,5 so với mức lương cơ sở; được bồi dưỡng trực tiếp khi làm nhiệm vụ  khảo sát, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ 100.000 đồng/người/ngày; được bồi dưỡng sức khỏe với mức 280.000 đồng/người (không quá 02 lần/năm); được ăn thêm bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh và được cấp trang phục chuyên dùng.

Bên cạnh đó, người được cấp có thẩm quyền huy động trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (người dẫn đường, bảo vệ; tham gia trực tiếp các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ) được hưởng mức bồi dưỡng 220.000 đồng/người/ngày thực tế được huy động khi làm nhiệm vụ ở ngoài nước và 100.000 đồng/người/ngày khi làm nhiệm vụ ở trong nước; được đảm bảo tiền ăn bằng 02 lần mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; được cấp tiền mua trang phục chuyên dùng nếu có thời gian trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ 03 tháng trở lên; được bố trí phương tiện đi lại hoặc thanh toán tiền đi lại như đối với cán bộ, công chức đi công tác; được thanh toán viện phí, chi phí chuyển thương nếu bị thương, bị bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt, Quyết định còn chỉ rõ, người cung cấp thông tin về liệt sĩ sẽ được bồi dưỡng 02 triệu đồng/đối với thông tin chính xác, tìm kiếm, quy tập được ít nhất là 01 hài cốt liệt sĩ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.

Hành chính:

BỔ SUNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM KHI XẢY RA THAM NHŨNG

Ngày 19/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung trường hợp loại trừ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Cụ thể, từ ngày 10/02/2014, ngoài trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng còn được loại trừ trách nhiệm khi đã chủ động phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành. Cũng theo Nghị định này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng có trách nhiệm thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng. Hội đồng kỷ luật bao gồm 05 người (Chủ tịch  Hội đồng; 01 ủy viên là đại diện Đảng ủy cấp trên trực tiếp của Đảng ủy đơn vị xảy ra tham nhũng; 01 ủy viên là đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của đơn vị xảy ra tham nhũng; 01 ủy viên là đại diện lãnh đạo đơn vị để xảy ra tham nhũng (trường hợp ủy viên đó không liên quan đến vụ việc tham nhũng) và 01 ủy viên kiêm thư ký Hội đồng); làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số bằng phiếu kín và chỉ họp khi có đầy đủ các thành viên Hội đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014.

CẤM XÂM PHẠM TÀI SẢN CÔNG DÂN KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Theo Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan... được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội không được xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác và sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ.

Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; hành vi tham nhũng, tiêu cực, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thái độ, tác phong, lời  nói, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ hoặc lợi dụng việc thi hành công vụ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoặc vì mục đích cá nhân khác... của người thi hành công vụ.

Cũng theo Nghị định này, sau khi xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm học tập, làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục. Văn bản thông báo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người có hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi vi phạm, hình thức, biện pháp xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC QUẢN LÝ KHO QUỸ NGÂN HÀNG

Không được bố trí vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột (kể cả anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) của Giám đốc, Phó Giám đốc làm thủ quỹ, thủ kho tiền hoặc bố trí những người có quan hệ vợ chồng, bố mẹ, con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột cùng tham gia giữ chìa khóa cửa kho tiền; cùng tham gia kiểm kê, kiểm đếm tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá hoặc cùng công tác trên 01 xe hay 01 đoàn xe vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá là nội dung quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định chi tiết về quản lý kho tiền và quầy giao dịch. Theo đó, những người có nhiệm vụ vào quầy giao dịch tiền mặt hoặc kho tiền phải mặc bảo hộ lao động hoặc trang phục giao dịch không có túi. Hết giờ làm việc, phải khóa cửa quầy giao dịch và các cửa thuộc khu vực kho tiền; ngoài lực lượng bảo vệ, nhân viên trực điều khiển thiết bị an toàn kho tiền đã được phân công (nếu có), không ai được tự ý ở lại một mình tại nơi làm việc trong trụ sở kiêm kho tiền. Trường hợp có yêu cầu làm việc ngoài giờ, ít nhất phải có 02 người, được Giám đốc cho phép bằng văn bản và thông báo cho bộ phận bảo vệ biết.

Mỗi năm 02 lần, vào lúc 0 giờ ngày 01/01 và ngày 01/07, Hội đồng kiểm kê có trách nhiệm kiểm tra toàn diện công tác đảm bảo an toàn kho quỹ và tổng kiểm kê tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá. Đồng thời, tiến hành kiểm kê Quỹ dự trữ phát hành và các tài sản khác bảo quản trong kho tiền mỗi tháng 01 lần vào lúc 0 giờ ngày 01 hàng tháng. Riêng đối với tiền mặt thuộc Quỹ tiền mặt của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Quỹ nghiệp vụ phát hành của Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và các giấy tờ có giá, tài sản quỹ khác, việc kiểm kê được thực hiện vào cuối giờ làm việc hàng ngày.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2014.

QUY ĐỊNH VỀ THẨM TRA QUYẾT TOÁN DỰ ÁN SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày 02/01/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BTC quy định quy trình thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, với các nội dung như: Xem xét tính pháp lý của hợp đồng kiểm toán; đối chiếu nội dung báo cáo kết quả kiểm toán của dự án đối với nội dung kiểm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành theo quy định; xem xét những ý kiến mà chủ đầu tư không thống nhất với báo cáo kiểm toán của nhà thầu kiểm toán; kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật, việc chấp hành kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và nhận xét, kiến nghị về quá trình quản lý đầu tư, thực hiện dự án...

Riêng đối với những dự án không thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán, cán bộ thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ pháp lý, nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư của dự án; chi phí đầu tư không tính vào giá trị tài sản (nếu có); thẩm tra xác định giá trị tài sản; công nợ, vật tư thiết bị tồn đọng... Trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán quyết định việc kiểm tra thực tế tại Ban quản lý dự án và hiện trường xây dựng công trình trong quá trình thẩm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.

Cơ quan thẩm tra quyết toán, cán bộ trực tiếp thẩm tra quyết toán không chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng do chủ đầu tư và nhà thầu đã nghiệm thu đưa vào báo cáo quyết toán hay đơn giá dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đơn giá trúng thầu đã được người quyết định trúng thầu quyết định, chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất ghi trong hợp đồng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2014.

QUỸ MỞ ĐÓNG PHÍ GIÁM SÁT TÀI SẢN THEO GIÁ THỎA THUẬN

Ngày 31/12/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 216/2013/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 38/2011/TT-BTC ngày 16/03/2011 quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán.

Theo đó, thay vì quy định đối tượng phải nộp phí dịch vụ bảo quản, giám sát tài sản là công ty đầu tư chứng khoán, Quỹ đầu tư chứng khoán như trước đây, Thông tư này chỉ rõ, đối tượng nộp phí bao gồm Quỹ đóng, Quỹ thành viên và công ty đầu tư chứng khoán. Mức thu phí đối với dịch vụ bảo quản, giám sát tài sản của các đối tượng này vẫn được giữ nguyên, tối đa bằng 0,15% giá trị tài sản giám sát. Đặc biệt, Thông tư đã bổ sung quy định dịch vụ bảo quản, giám sát tài sản của Quỹ mở thực hiện thu theo giá thỏa thuận.

Ngoài nội dung nêu trên, các nội dung khác vẫn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2011/TT-BTC ngày 16/03/2011, cụ thể như: Mức thu phí bảo lãnh phát hành là từ 0,5% - 2% tổng giá trị bảo lãnh phát hành đối với cổ phiếu; phí quản lý quỹ đầu tư tối đa bằng 2% giá trị tài sản ròng của quỹ hoặc giá trị tài sản ròng của danh mục/năm; phí đại diện người sở hữu trái phiếu tối đa bằng 0,1% tổng giá trị trái phiếu phát hành…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014.

ĐÁ QUÝ CÓ GIÁ TRỊ 300 TRIỆU ĐỒNG PHẢI KHAI BÁO HẢI QUAN

Ngày 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền, quy định kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng có giá trị 300 triệu đồng phải khai báo hải quan.

Trong đó, kim loại quý (trừ vàng) bao gồm: Bạc, bạch kim; đồ mỹ nghệ, đồ trang sức bằng bạc, bạch kim; các loại hợp kim có bạc, bạch kim; đá quý gồm: Kim cương, ruby, saphia và ê-mơ-rốt. Đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng, mức giá trị phải khai báo hải quan được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư cũng quy định, trường hợp khách hàng có mức độ rủi ro cao, không có ảnh hưởng chính trị; không có quan hệ ngân hàng đại lý với ngân hàng đối tác nước ngoài hoặc không thực hiện các giao dịch liên quan tới công nghệ mới..., ngoài việc phải áp dụng một số biện pháp nhận biết theo quy định của pháp luật, đối tượng báo cáo còn phải áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường như: Giám sát chặt chẽ các giao dịch của khách hàng có rủi ro cao; cập nhật thông tin định kỳ ít nhất 06 tháng/lần hoặc khi đối tượng báo cáo biết thông tin về khác hàng đã có sự thay đổi và thu thập bổ sung các thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong 06 tháng gần nhất của khách hàng; tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi làm việc hoặc có thu nhập chính... (đối với khách hàng là cá nhân); ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo doanh thu chính; báo cáo tài chính trong 02 năm gần nhất (đối với khách hàng là tổ chức)...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2014.

TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC SỞ HỮU TỐI ĐA 15%  VỐN ĐIỀU LỆ CỦA TCTD VIỆT NAM

Đây là nội dung đáng chú ý của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 03/01/2014, quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.

Cụ thể, tỷ lệ sở hữu cổ phần của 01 nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% và nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của 01 TCTD Việt Nam (riêng tổ chức nước ngoài là 01 nhà đầu tư chiến lược được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ của 01 TCTD Việt Nam)…

Trong trường hợp tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện như: Được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên; việc mua cổ phần không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống TCTD Việt Nam; không vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán trong 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần và đặc biệt, có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ USD đối với tổ chức nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 01 tỷ USD đối với các tổ chức khác…

Nghị định cũng chỉ rõ, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của 01 TCTD Việt Nam không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn tối thiểu 03 năm kể từ thời điểm sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của TCTD đó.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2014 và thay thế Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/04/2007.

GIẤY TỜ CÓ GIÁ CÓ MỆNH GIÁ TỐI THIỂU 100.000 ĐỒNG

Tại Thông tư số 34/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và ngân hàng hợp tác xã Việt Nam được phép phát hành giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật...

Trong đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành giấy tờ có giá theo hình thức giấy tờ có giá ghi danh và giấy tờ có giá vô danh. Riêng đối với người mua giấy tờ có giá là tổ chức và cá nhân nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được phát hành giấy tờ có giá theo hình thức giấy tờ có giá ghi danh.

Giấy tờ có giá được phát hành có mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng và bao gồm các nội dung như: Tên tổ chức phát hành; tên gọi giấy tờ có giá; mệnh giá, thời hạn, ngày phát hành, ngày đến hạn thanh toán; lãi suất; phương thức trả lãi, thời điểm trả lãi, địa điểm thanh toán gốc và lãi của giấy tờ có giá; ký hiệu, số sê-ri phát hành; chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2014.

NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI TỰ VAY, TỰ TRẢ

Ngày 26/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 219/2013/NĐ-CP về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (DN) không được Chính phủ bảo lãnh.

Theo quy định tại Nghị định này, nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả bao gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả; theo dõi các dòng tiền liên quan đến vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả phục vụ việc tổng hợp cán cân thanh toán quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối; tổng hợp, báo cáo thông tin và thanh tra, kiểm sát, giám sát việc chấp hành pháp luật về vay nước ngoài tự vay, tự trả...

Việc quản lý Nhà nước về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả phải đảm bảo các nguyên tắc cụ thể sau: Đảm bảo an toàn nợ trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô của nền kinh tế; bên đi vay khi thực hiện vay, trả nợ phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài; thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính sách quản lý vay, trả nợ phải phối hợp với chính sách quản lý tín dụng trong nước nhằm đảm bảo mục tiêu của chính sách tiền tệ và chính sách quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ... Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp để quản lý vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và duy trì các chỉ tiêu an toàn nợ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014.

CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC SỬ DỤNG NGOẠI HỐI TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

Theo Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định chi tiết các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước khác tại các cửa khẩu của Việt Nam và kho ngoại quan được phép niêm yết bằng ngoại tệ và thu bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất cảnh, phí cung ứng dịch vụ và các loại phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật; người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại; người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó...

Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất cũng được phép ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu; được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014.

HƯỚNG DẪN THANH TOÁN PHÍ TỔ CHỨC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Ngày 24/12/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 203/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BTC ngày 08/02/2012 hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước.

Trong đó, đáng chú ý là quy định thay đổi về thanh toán phí tổ chức phát hành, phí thanh toán lãi, gốc trái phiếu phát hành theo phương thức bảo lãnh phát hành, đấu thầu cho các tổ chức. Cụ thể, từ ngày 15/02/2014, 0,05% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu được chi trả cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, giảm 0,02% so với quy định trước đây; phí bảo lãnh phát hành trái phiếu được thanh toán cho tổ chức bảo lãnh chính theo thỏa thuận giữa Kho bạc Nhà nước và tổ chức bảo lãnh chính, nhưng không vượt quá 0,10% giá trị danh nghĩa trái phiếu phân phối (thay vì mức 0,15% theo quy định hiện hành); 0,028% giá trị lãi, gốc trái phiếu thực thanh toán được chi trả cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán và 0,007% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành được chi trả cho Kho bạc Nhà nước (mức chi trả theo quy định cũ lần lượt là 0,04% và 0,01%).

Phí tổ chức phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu đối với trái phiếu phát hành theo phương thức bán lẻ được chi trả 0,10% trên tổng giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành thành công và không bao gồm chi phí in chứng chỉ cho Kho bạc Nhà nước (trường hợp Kho bạc Nhà nước phát hành qua hệ thống Kho bạc Nhà nước ở địa phương) hoặc 0% trên tổng giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành thành công (trường hợp Kho bạc Nhà nước ở Trung ương phát hành trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân theo quyết định cá biệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014.

ĐIỀU KIỆN MUA SẮM TÀI SẢN PHỤC VỤ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DỰ ÁN

Theo quy định tại Thông tư số 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước, việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản phục vụ công tác quản lý dự án chỉ được thực hiện khi không bố trí, sắp xếp được trong số tài sản hiện có của cơ quan, đơn vị; khi không áp dụng được hình thức điều chuyển tài sản theo quy định của pháp luật hoặc có điều chuyển nhưng chỉ đáp ứng được một phần và không áp dụng được hình thức thuê tài sản phục vụ công tác quản lý dự án.

Khi dự án kết thúc, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền có thể điều chuyển tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản mà còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; thanh lý đối với các tài sản đã vượt quá thời gian sử dụng mà không thể tiếp tục sử dụng được theo quy định; bán đối với các tài sản không xử lý theo hình thức điều chuyển hay thanh lý; chuyển giao về địa phương quản lý đối với diện tích đất Ban quản lý dự án được giao (hoặc tạm giao) để phục vụ công tác thi công dự án...

Việc bán tài sản được thực hiện thông qua phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có 01 tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm; các tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, môi trường phù hợp với quy hoạch được duyệt và trường hợp giá trị tài sản theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/đơn vị tài sản, được phép bán tài sản thông qua phương thức chỉ định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014.

Tài nguyên-Môi trường:

CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC PHẢI LẤY Ý KIẾN DÂN CƯ

Theo Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án.

Các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến bao gồm: Công trình hồ, đập có tổng dung tích từ 500 triệu m3 trở lên hoặc công trình khai thác, sử dụng mặt nước với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên; công trình chuyển nước giữa các nguồn nước; công trình hồ, đập làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông, suối trên 01 đoạn có chiều dài từ 01 km trở lên; công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm. Riêng đối với các dự án có yếu tố bí mật quốc gia, không phải thực hiện lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, xin phép. Cụ thể như: Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình; khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối; khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây; khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW; xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.

THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT PHÂN BÓN

Ngày 27/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó, đáng chú ý là quy định thay đổi điều kiện sản xuất phân bón.

Cụ thể, ngoài một số điều kiện theo quy định hiện hành như: Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trong đó có ngành nghề về sản xuất phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp); có máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với công suất và chủng loại phân bón sản xuất, từ ngày 01/02/2014, tổ chức, cá nhân sản xuất các loại phân bón còn phải đáp ứng các điều kiện khác như: Có tiêu chuẩn áp dụng cho nguyên liệu đầu vào đảm bảo các điều kiện về quản lý chất lượng sản phẩm phân bón; có phòng thử nghiệm, phân tích hoặc có thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc công nhận; đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên...

Đồng thời, Nghị định cũng quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh phân bón đối với các tổ chức, cá nhân, cụ thể như: Phải có đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động; công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ phân bón phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh môi trường; có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón...

Sau 02 năm kể từ ngày 01/02/2014, tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh phân bón nếu chưa đáp ứng hoặc bổ sung đầy đủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoạt động cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện nêu trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.

Giao thông

QUY ĐỊNH TẢI TRỌNG CHO PHÉP ĐỐI VỚI XE CƠ GIỚI ĐI TRÊN ĐÊ

Ngày 17/12/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn phân cấp đê và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê.

Theo đó, đối với đoạn đê kết hợp làm đường giao thông có tính toán xác định tải trọng thiết kế, xe cơ giới được phép đi trên đê theo tải trọng thiết kế đã được phê duyệt; đối với đoạn đê chưa có tính toán xác định tải trọng, cho phép xe cơ giới đi trên đê nhưng mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc rải nhựa và tổng tải trọng của xe không vượt quá 12 tấn. Riêng đối với những đoạn đê còn lại, tải trọng tối đa của xe cơ giới đi trên đê là 10 tấn.

Việc quy định và xác định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê phải đảm bảo an toàn cho đê và phải căn cứ vào điều kiện địa chất nền, thân đê, kết cấu mặt đê, đặc điểm của đê. Đồng thời, biển báo quy định tải trọng cho tuyến đê, đoạn đê phải phù hợp với đặc điểm của tuyến đê, đoạn đê (các trục giao thông giao cắt với đê, các dốc lên đê, các công trình trên đê) và thuận lợi cho phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết cách xác định ranh giới đê sông, đê cửa sông và đê biển. Cụ thể, ranh giới giữa đê sông và đê cửa sông được xác định tại vị trí độ chênh cao do nước dâng truyền vào xấp xỉ bằng 0,5 m, ứng với trường hợp mực nước trong sông là mực nước thiết kế đê, phía biển triều tần suất 5% và bão cấp 9. Ranh giới giữa đê cửa sông và đê biển được xác định tại vị trí độ cao sóng xấp xỉ bằng 0,5 m, ứng với trường hợp mực nước trong sông là mực nước thiết kế đê, phía biển sóng bất lợi tương ứng triều tần suất 5% và bão cấp 9.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/02/2014.

Tư pháp-Hộ tịch:

CÁC TRƯỜNG HỢP KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI PHẢI ĐẾN TRUNG TÂM TƯ VẤN

Ngày 31/12/2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/03/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Thông tư quy định, công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó, người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam; 02 bên chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước hoặc 02 bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên, phải có Giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ do Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cung cấp.

Trường hợp công dân Việt Nam thông thạo ngôn ngữ người nước ngoài sử dụng hoặc người nước ngoài thông thạo tiếng Việt, đồng thời kết quả phỏng vấn tại Sở Tư pháp cho thấy 02 bên có sự hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau, hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân gia đình của mỗi nước, thì không phải bổ sung Giấy xác nhận của Trung tâm.

Cũng theo Thông tư này, việc thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phải đảm bảo một số điều kiện nhất định như: Địa điểm hoạt động có thể độc lập với địa điểm mở lớp tư vấn, hỗ trợ, nhưng phải bảo đảm về diện tích, tiện nghi làm việc, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; phải có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn chuyên trách...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/02/2014.

Doanh nghiệp:

NGUYÊN TẮC XỬ LÝ NỢ CỦA DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC

Theo Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và cá nhân khác có liên quan trong việc theo dõi, thu hồi và thanh toán các khoản nợ; đồng thời phải đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ tồn đọng theo quy định của pháp luật.

Đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và tự tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi nợ, cùng chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ và báo cáo cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ trường hợp vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý. Đối với các khoản nợ phải thu, trả bằng ngoại tệ, thực hiện quy đổi sang đồng Việt Nam tại thời điểm hạch toán và lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại số dư nợ ngoại tệ phải thu, trả cuối năm được xử lý theo quy định của Bộ Tài chính.

Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 03 lần theo quy định của Chính phủ về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Khi có nhu cầu huy động vốn vượt quy định để đầu tư các dự án quan trọng, doanh nghiệp phải xây dựng phương án cụ thể, xác định rõ kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền trả nợ, báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.

ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG CÁC LOẠI GIÁ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Hợp đồng xây dựng chỉ được ký kết khi bên giao thầu đã có kế hoạch vốn để thanh toán cho bên nhận thầu theo tiến độ thanh toán của hợp đồng, trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp là nội dung quy định tại Nghị định số 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Nghị định cũng quy định chi tiết về điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng xây dựng, cụ thể, đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định, giá gói thầu, giá hợp đồng và đơn giá cho các công việc theo hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro có liên quan như trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng và các bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình liên quan đến hợp đồng. Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh chỉ áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng mà chưa đủ điều kiện để xác định rõ về khối lượng và yếu tố trượt giá trong đơn giá để thực hiện các công việc của hợp đồng...

Cũng theo Nghị định này, trước khi bên giao thầu thực hiện tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng. Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được khấu trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.

Thương mại:

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẢI THẨM ĐỊNH SẢN PHẨM QUẢNG CÁO

Theo Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, tổ chức, cá nhân được yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo trong các trường hợp:

Sản phẩm quảng cáo có nội dung liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo hoặc liên quan đến các hành vi bị cấm trong quảng cáo; sản phẩm quảng cáo bị người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo từ chối thực hiện do không đảm bảo về tính hợp pháp của sản phẩm quảng cáo; có ý kiến khác nhau về nội dung sản phẩm quảng cáo giữa cơ quan quản lý Nhà nước với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Riêng sản phẩm quảng cáo chỉ thể hiện lô-gô, biểu tượng, nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ không được thẩm định.

Theo hướng dẫn của Thông tư này, tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo đến Cục Văn hóa cơ sở; sau khi nhận được yêu cầu, Cục Văn hóa cơ sở trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo. Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định, Cục Văn hóa cơ sở phải gửi văn bản thẩm định sản phẩm quảng cáo cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Đồng thời, Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo cũng tự giải thể sau khi có kết quả thẩm định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.

 

Văn phòng UBND tỉnh TT Huế

 

 

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 355.925
Truy cập hiện tại 259