Tìm kiếm tin tức
Lịch sử hình thành xã Điền Hải
Ngày cập nhật 02/06/2014
     Điền Hải gồm làng Thế Chí Đông và thôn Minh Hương, là một xã thuộc vùng đầm phá thuộc huyện Phong Điền tỉnh TT Huế, phía bắc giáp xã Điền Hòa, phía nam giáp xã Quảng Ngạn, phía đông giáp xã Phong Hải, phía tây giáp xã Quảng Thái, ngăn cách bởi phá Tam Giang. Diện tích tự nhiên 1277.36 ha trong đó có 244 ha đất canh tác.
 
     Dân cư Điền Hải được bố trí theo hình chữ nhất chạy dọc theo hướng Bắc Nam có chiều dài 5.5 km. Do sự áp sát của phá Tam Giang và độn cát phía đông nên chiều ngang rất hẹp dân số toàn xã hiện nay khoảng 5.196 người (năm 2012), đại bộ phận là dân làng Thế Chí Đông chiếm khoảng 85%, còn lại là cư dân thôn Minh Hương và một số ít cư dân đầm phá chạy theo dọc hướng Bắc Nam là một trục lộ quốc lộ 49B giao thông chính phân chia địa bàn xã thành hai khu vực có diện tích xấp xỉ bằng nhau. Phía đông là khu vực định cư của cư dân, trừ khu vực của cư dân thôn Minh Hương định cư ở phía cực nam, một phần của thôn 1 và thôn 8 ở phía Bắc của xã sát với phá Tam Giang. ở đây làng xóm nối tiếp nhau xen lẫn với một số ít ruộng đất trồng lúa và  màu, chạy dọc theo triền phía đông, khu vực dân cư là bãi đất hoang bao gồm những độn cát cùng với những đồi rú cây cối lụp xụp. Chính nơi đây đã hình thành những chiến hào tự nhiên, khách quan đã góp phần đắc lực cho việc xây dựng và củng cố lực lượng của ta trong thời kỳ kháng chiến.Sự cấu tạo địa hình khá phức tạp, ở đây còn có những chân ruộng bậc thang, đó là chưa kể tính mấp mô của những đồi cát ở triền phía đông. Hơn nữa là một xã thuộc vùng đầm phá, nguồn nước ngọt tự nhiên như: sông, hói hầu như không có. Ruộng đồng vì thế rất dễ bị ngập úng vào mùa lũ và hạn hán nhiễm mặn vào mùa hè.
 
    Về mặt lịch sử, thời Hùng Vương dựng nước. Điền Hải là một bộ phận của nước Việt thường. Suốt thời kỳ Bắc thuộc. Điền Hải thuộc Tượng quận (thời Tần), Nhật nam (thời Hán), Lâm ấp (thời Tần). Cùng với lãnh thổ Thừa Thiên Huế. Điền Hải trở về với Đại Việt vào đầu thế kỷ XIV dưới thời nhà Trần.
 
     Từ sau những sự kiện lịch sử này, những lớp người Việt đầu tiên dưới nhiều lý do khác nhau đã dần dần di cư vào Thuận Hóa để sinh sống. Tuy nhiên, thời kỳ này vẫn là những nhóm người ít ỏi, chưa ổn định vì Thuận hóa lúc này là miền biên viễn, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tranh chấp giữa Đại Việt và Cham-pa. Đến Hậu Lê, biên cương phía  Nam được mở rộng, các hạng quan chức lính tráng có nhiệm vụ trấn giữ bờ cõi phía Nam cùng với họ là gia đình vào lập nghiệp ngày càng đông, làng xã dần dần được hình thành.
Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi soạn thảo vào thời vua Lê Thái Tông (1435) thì mảnh đất Điền Hải bấy giờ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.
 
     Trong các thư tịch cổ, lần đầu tiên gọi xã Thế Chí, một trong số 53 xã thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Xuất hiện trong tác phẩm “Ô châu cận lục” của Dương Văn An soạn thảo vào năm 1553 đời Mạc Phúc Nguyên niên hiệu Cảnh Tịch nhà Lê. Điều này cho thấy xã Thế Chí mà địa bàn ngày nay bao gồm 2 xã Điền Hải và Điền Hòa đã có rất lâu và vị tiền khai canh họ Cao ở Điền Hải đã vào khai phá lập nghiệp ở đây ít nhất là vào thời Hậu Lê.
 
     Đến khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa 1558 trong ý đồ xây dựng một lực lượng cát cứ ở Đằng trong để đối đầu với họ Trịnh ở Đằng ngoài thì số người từ Miền Bắc vào đông hơn. Tuy thời gian xê dịch sớm muộn có khác nhau nhưng hầu hết các họ tộc chi phái ở Điền Hải đều có nguồn gốc từ những lớp người theo các chúa Nguyễn vào sinh sống ở Thuận Hóa, công cuộc khẩn hoang lập làng thời các  chúa Nguyễn được đẩy mạnh, làng xã Điền Hải thời kỳ này được ổn định và phát triển.
 
     Căn cứ vào những bản tộc phả xưa nhất đến nay vẫn còn lưu giữ được như bên tộc phả họ Lê soạn vào các năm 1771 và 1772 và bản tộc phả họ Nguyễn soạn vào năm 1773 thì đến nữa sau thế kỷ XVIII, xã Thế Chí ngày trước được phân thành hai giáp: Giáp Đông và Giáp Tây. Giáp Đông về sau phát triển thành làng Thế Chí Đông, nay là xã Điền Hải. Bấy giờ có thêm hai thôn Phước Hội và Phước Lai thuộc xã Thế Chí, tổng Phú Ốc huyện Quảng Điền phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Điều này đúng với logic của sự phát triển làng xã, đồng thời đúng như “Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn soạn thảo vào năm 1776 trong đó ghi xã Thế chí Đông –Tây thuộc tổng Phú Ốc huyện Quảng Điền phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.
 
      Năm 1802 Gia Long  lên ngôi đặt 3 doanh: Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Đức. Xã Thế Chí Đông- Tây thuộc Quảng Đức. Đến năm 1821. Minh Mạng đổi danh Quảng Đức thành Thừa Thiên Huế.
 
     Theo “Đại nam thực lục tập thứ XV” của Triều Nguyễn thì năm 1835 dưới thời Minh Mạng, 3 Huyện của Thừa Thiên Huế được chia thành 6 Huyện. Một phần đất của huyện Quảng Điền được tách ra để thành lập một huyện mới lấy tên là huyện Phong Điền. Làng Thế Chí Đông lúc này thuộc tổng Vĩnh Xương huyện Phong Điền phủ Thừa Thiên. Trong suốt thời thuộc Pháp việc trực thuộc hành chính của làng Thế Chí Đông không thay đổi.
 
     Sau cách mạng tháng 8 thành công, buổi đầu làng Thế Chí đông được phân thành 6 khu vực hành chính từ Bắc vào Nam, mỗi khu vực tương ứng với địa danh của mỗi xóm. Khu vực I (xóm chùa), khu vực II (Xóm Diêm), khu vực III (xóm  Nẩy), khu vực IV (xóm Lùm), khu  vực V (xóm Cày), khu vực VI (xóm Đò).
 
     Sang năm 1946, chính quyền cách mạng cho giải thể đơn vị hành chính chánh Tổng và thành lập đơn vị hành chính Xã. Xã Phong Hải ra đời gồm có: Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, Mỹ Hòa và Hải Nhuận. Đến năm 1949 do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chính quyền cách mạng cho thành lập xã lớn: xã Phong Phú ra đời gồm: Đại Lộc, Thế Chí Tây, Thế Chí Đông. Minh Hương, Hải Nhuận, Thế Mỹ và Mỹ Hòa.
 
    Sau năm 1954, trong âm mưu thực hiện chính sách “chia để trị” nhằm phân hóa lực lượng cách mạnh để dễ dàng đàn áp phong trào nổi dậy của quần chúng, Ngụy quyền Ngô Đình Diệm cho thành lập một hệ thống hành chính chiến lược từ Xã lên Quận, Tỉnh.Năm 1954-1956 Thế Chí Đông trực thuộc nha phái hành chính phụ trách cụm Ngũ Điền. Năm 1957 thành lập quận Hương Điền, xã Điền Hải ra đời bao gồm làng Thế Chí Đông và thôn Hải Nhuận.
 
   Tháng 11 năm 1946 do sự tranh chấp trong nội bộ của địch xã Điền Hải bị chia thành 2 xã: xã Thế Chí Đông và xã Hải Nhuận.Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để dễ dàng nắm rõ tình hình các mặt của địch, nhằm đề ra phương hướng đấu tranh thích hợp, chính quyền cách mạng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương đã có sự kết hợp địa bàn xã của ta trong kháng chiến chống Pháp và “địa bàn xã của địch”.
 
    Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, xã Điền Hải được thành lập trở lại. Ngoài làng Thế Chí Đông còn có Thôn Minh Hương từ xã Quảng Ngạn chuyển qua nay là thôn 7 (Minh Hương) và sau cơn bão năm 1985 Điền Hải tiếp tục định canh, địch cư cho cư dân vùng đầm phá nay là thôn 8 (ngư nghiệp) để dễ dàng quản lý trong điều kiện mới, nhưng trực thuộc Hương Điền tỉnh Bình Trị Thiên.Tới tháng 7 năm 1989 để phù hợp với tình hình mới, tỉnh TT Huế được thành lập trên cơ sở lãnh thổ của dân cư tỉnh Thừa Thiên trước đây. Xã Điền Hải trực thuộc huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế
 
    Hiện nay xã  Điền Hải thuộc huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 8 thôn: thôn Thế Chí Đông 1 (Xóm Chùa) , thôn Thế Chí Đông 2 (Xóm Diêm) , thôn Thế Chí Đông 3 (Xóm Nẩy) , thôn Thế Chí Đông 4 (Xóm Lùm) , thôn Thế Chí Đông 5 (Xóm Cày) , thôn Thế Chí Đông 6 (Xóm Đò) , thôn 7 (Minh Hương), thôn 8 (Ngư Nghiệp) .
 
 
 
 
 
 

 

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 355.925
Truy cập hiện tại 357